If available a podcast transcript will be here.
VÌ SAO NĂM MÃO CỦA VIỆT NAM LÀ CON MÈO?
Chào các bạn! Mình là Linh đây, một thành viên của EPV! Chào mừng các bạn đã trở lại với podcast Tết Nguyên Đán của người Việt của EPV! Ở tập podcast trước, mình đã nói qua một chút về ngày Tất Niên ở Việt Nam rồi, rằng ngày đó quan trọng và ý nghĩa như thế nào trong dịp Tết của người Việt. Hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu thêm về một nét đặc biệt của ngày Tết Nguyên Đán đó là 12 con giáp. Ở Việt Nam, mỗi năm m Lịch đều được “bảo hộ” bởi một trong số mười hai con vật. Mỗi người sinh ra đều sẽ gắn liền với 1 trong 12 con giáp. Mỗi con giáp sẽ có một đặc điểm, ý nghĩa riêng, tượng trưng cho tính cách của mỗi người. Và hằn là nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng 12 con giáp là gì? Nó ra đời như thế nào? 12 con giáp ở các nước Châu Á liệu có giống nhau không? Hãy cùng mình tìm hiểu mỗi phần một chút nhé!
Hẳn các bạn cũng đã biết Việt Nam là một đất nước với bề dày lịch sử và tới nay mọi người cũng chỉ biết rằng, ngày xưa khi chưa có lịch, người Việt muốn biết được thời tiết, thời gian, thiên văn họ thường dựa vào chu kỳ thay đổi đều đặn của Mặt Trăng, họ quan sát tự nhiên, rút ra những kinh nghiệm rồi truyền từ đời này qua đời khác. Do đó 12 con giáp ứng với 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm và 12 năm trong một giáp, đây là nền tảng quan trọng để người Việt tính lịch và tiên đoán về số mệnh của từng người theo cung Hoàng Đạo.
Theo lịch Can Chi người Trung Quốc xưa đã chọn ra 12 con vật gắn liền với đời sống hoặc được con người thuần dưỡng sớm nhất, theo thứ tự: Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Mèo/Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn). Nghe tới đây, có lẽ các bạn cũng đã thấy được sự khác biệt trong 12 con giáp giữa Việt Nam và một số nước Châu Á khác đó là trong khi năm Mão ở hầu hết các quốc gia tượng trưng cho con Thỏ, thì duy nhất tại Việt Nam, năm Mão lại là năm con mèo. Có lẽ sẽ nhiều người thắc mắc về điều này và thực tế là có nhiều giả thiết được đưa ra để lí giải và sự lí giải chủ yếu dựa trên văn hóa, ngôn ngữ.
Đầu tiên, người ta giải thích cho việc này dựa theo truyền thuyết. Theo truyền thuyết của Trung Quốc, vì Ngọc Hoàng muốn dùng tên của các con vật đại diện cho các năm theo chu kỳ 12 năm nên đã tổ chức một cuộc chạy đua, con vật nào đến trước sẽ được xếp trước trong 12 con giáp. Mèo và chuột cùng tham gia và là đôi bạn thân, nhưng mèo bị chuột chơi xấu nên dừng cuộc chơi sớm và từ đó mèo ghét luôn chuột. Còn theo truyền thuyết của Việt Nam, Ngọc Hoàng cũng tạo ra một cuộc đua tương tự như vậy, mèo là một trong 12 con giáp về đích và thỏ được chọn ở lại với Hằng Nga.
Tiếp theo là một trong những cách lý giải phổ biến nhất về việc mèo thay thế thỏ trong 12 con giáp ở Việt Nam đó là chữ thỏ trong tiếng Trung Quốc phát âm là "mao" - nghe giống từ mão (con mèo) trong tiếng Việt. Trong tiếng Trung, hai từ này khác nhau về dấu, nhưng về ngữ âm thì "mèo" (măo) và mèo (máo) có cách đọc giống nhau, đều là mao. Trong "Việt Nam tự điển", chữ "mão" lại được dùng để chỉ con mèo. Vì hai từ phát âm gần giống nhau nên trong quá trình thông dịch, đã xảy ra sự nhầm lẫn khiến con thỏ trong 12 con giáp ở Trung Quốc được thay thế bằng con mèo.
Theo chiều dài lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc đã có một thời kỳ giao lưu văn hóa hơn 1000 năm, vì thế chúng ta có thêm một cách lý giải khác cho việc này. Dù người Việt đã tiếp thu Thập Nhị Chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên này nên người Việt đã biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình. Thực tế là Việt Nam có môi trường sống phù hợp cho mèo hơn. Bởi Trung Quốc là quốc gia có nhiều đồng cỏ rộng lớn, là điều kiện lý tưởng cho loài thỏ sinh trường, còn Việt Nam với khí hậu nóng ẩm, với nhiều rừng mưa nhiệt đới, đây có thể được xem là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhưng lại không hẳn nơi phù hợp để loài thỏ sinh sống. Ngược lại, các loài mèo có thể sống tốt trong điều kiện tự nhiên như thế này và hơn nữa loài mèo quen thuộc với người Việt hơn. Từ xa xưa, loài mèo đã là một phần của mỗi gia đình người Việt. Loài mèo thông minh, nhanh nhẹn nên quan trọng với người nông dân Việt Nam. Chúng biết bắt chuột để bảo vệ mùa màng, lương thực nên dần chúng như một người bạn thân thiết của những con người thuộc nền văn hóa lúa nước. Ngoài ra, hầu hết mọi người đều thấy rằng việc người Việt thay thỏ bằng mèo trong danh sách 12 con giáp là điều phù hợp. Thỏ là loài gặm nhấm như chuột, trong khi chuột cũng là một trong 12 con giáp và với người Việt các con giáp nên là độc nhất và khác biệt với nhau. Thú vị hơn, mèo còn giúp tạo ra thế đối xứng với chó (Tuất) và theo thuyết âm dương, điều này thể hiện sự cân bằng, giúp giải quyết các mâu thuẫn.
Như mình đã đề cập ở trên thì mỗi con giáp tượng trưng cho mỗi năm và 12 con giáp cũng là nền tảng quan trọng để tiên đoán số mệnh từng người theo Cung Hoàng Đạo. Trong 12 con giáp, loài mèo thông minh, khôn ngoan và bình tĩnh nên theo dân gian người tuổi Mèo thường thận trọng, hóm hỉnh, nhanh trí. Họ ghét xung đột dưới mọi hình thức, luôn khéo léo trong giao tiếp, nhanh nhạy trong cuộc sống nên dễ dàng có được thành công trong cuộc sống. Người Việt coi mèo là biểu tượng của sự trường thọ, hòa bình và thịnh vượng. Do đó, 2023 là năm của hòa bình và hy vọng.
Trên đây, mình tổng hợp những cách giải thích phổ biến nhất về việc “Vì sao năm Mão của người Việt là con Mèo mà không phải con Thỏ” cũng như để các bạn hiểu thêm một chút về Cung Hoàng Đạo của người Việt. Mình mong tập podcast lần này mang tới nhiều thông tin thú vị dành cho các bạn. Hẹn gặp lại các bạn ở các tập podast sau!
VÌ SAO NĂM MÃO CỦA VIỆT NAM LÀ CON MÈO
Easy Peasy Admin