If available a podcast transcript will be here.
Xin chào các bạn! Mình là Linh đây - một thành viên của EPV! Chào mừng các bạn đến serie podcast mùa Tết của chúng mình! Ở những tập podcast trước mình đã chia sẻ với các bạn một số thông tin về văn hóa Tết ở Việt Nam. Ở tập này hãy cùng mình tìm hiểu một chút vì sao tiếng Việt phong phú mà người Việt luôn gọi “ăn tết” mà không phải “nghỉ tết” hay “chơi tết”?
Như các bạn đã biết, Tết của người Việt gọi là Tết Nguyên Đán. Vậy đầu tiên, nghĩa của từ Tết Nguyên Đán là gì? Chữ “Tết” là do chữ “Tiết” mà thành, “Nguyên” là đầu tiên và “Đán” là buổi sáng sớm. Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian đầu của một năm mới.
Theo quan niệm dân gian hay cho tới thời bây giờ, Tết Nguyên Đán là thời điểm người Việt được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả và gặp gỡ của mọi thành viên trong gia đình. Ngày nay, nhiều người phải đi xa mới có môi trường làm việc thích hợp nên dù đi xa tới đâu thì dịp này họ vẫn luôn muốn được quay trở về đón Tết bên gia đình. Còn ngày xưa, người Việt quanh năm gắn bó với nông nghiệp, với lúa nước nên Tết là dịp quan trọng. Không chỉ là thời gian được nghỉ ngơi sau một mùa vụ mà còn là dịp để mọi người được thưởng thức những món ăn ngon. Ngày Tết, nhà nào cũng có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ cùng với cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Đối với người Việt “ăn” không phải chỉ là đem những món dinh dưỡng cho cơ thể bằng những động tác nhai, nuốt mà còn được xem như một nét sinh hoạt quan trọng nhất trong đời sống: “Dĩ thực vi thiên” (coi việc ăn uống như trời) và trong dân gian cũng thường nói “Có thực mới vực được đạo”.
Người Việt thường dạy con em khi còn thơ bé rằng “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Hay từ những truyền thuyết của người Việt cũng có thể thấy cái ăn là quan trọng. Khi vua Hùng muốn truyền ngôi lại cho con, thì bảo rằng ai tìm được món ăn ngon nhất sẽ được nối ngôi. Cuối cùng người con làm ra “bánh chưng – bánh dày” được cha truyền ngôi báu. Hay huyền thoại “Thánh Gióng”, một đứa trẻ 3 tuổi, khi ăn rất nhiều cơm đã vươn mình to lớn và đánh đuổi giặc n.
Còn khi tới Tết, theo quan niệm của người Việt xưa là “ăn Tết”. Ngày trước, cuộc sống khó khăn, nên những món ngon chỉ dành cho ngày Tết. “Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”, người Việt dù khó khăn thế nào cũng phải sắm được mâm cỗ đủ đầy đón ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Người Việt làm lụng suốt cả năm chỉ mong no đủ ba ngày Tết. Ngày Tết chỉ có ăn thôi mà không làm nữa. Rồi chỉ đến Tết mới là dịp để cả gia đình cùng làm những món ăn ngon. Người Việt trước kia lấy nghề nông làm gốc, ngày Tết là lúc nông nhàn, người ta đã tích trữ lương thực để chuẩn bị cho những ngày Tết được no đủ. Những ngày đầu năm rất quan trọng, đầu năm no đủ, ấm êm sẽ báo hiệu một năm mới mùa vụ bội thu nên cái "ăn" được người Việt chăm lo chu đáo rồi mới đến "chơi". Từ những điều trên, các bạn có thể hiểu được vì sao người Việt chúng mình không nói “mừng Tết” mà thường nói “ăn Tết”.
Đó là cái Tết của người Việt xưa, còn tới nay khi xã hội phát triển hơn, quan niệm về Tết thay đổi, điều kiện sống được nâng lên nên chúng mình có thể thưởng thức những món ngon quanh năm chứ không riêng gì ngày Tết, “ăn Tết” đối với người Việt chúng mình ngày nay chuyển sang nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Dù vậy, “Về nhà ăn Tết” đối với chúng mình vẫn luôn là một điều trân quý, đây không chỉ là cái ăn nữa mà đây là dịp duy nhất của năm để chúng mình nhìn lại những gì đã qua và biết trân trọng hơn từng khoảnh khắc bên người thân. Người Việt chúng mình làm việc dành dụm cả năm cũng chỉ mong được tới Tết là về bên gia đình. Tất nhiên, kể cả khi đời sống đã được nâng cao, thì vẫn có những món ăn chỉ khi có vào dịp Tết mới cảm thấy nó thật đặc biệt. Tết đơn giản chỉ là cùng dọn dẹp, nấu nướng cùng bố mẹ, cùng làm mâm cỗ để nhớ tới ông bà tổ tiên mình cũng là niềm vui. Tết là dịp mỗi gia đình người Việt chúng mình đoàn tụ một cách đầy đủ nhất. Dù chúng mình đi xa tới đâu thì vẫn lấy Tết là một thời điểm để hành hương về quê, để về với gia đình.
Vậy đó là vì sao người Việt luôn nói “ăn Tết” mà không phải “nghỉ Tết”, “chơi Tết”. Khái niệm “ăn Tết” ngày nay tuy đã thay đổi chút ít nhưng giá trị tâm linh, tình cảm sâu sắc hướng về quê hương, gia đình vẫn luôn ở đó. Tết là thời điểm đặc biệt và ý nghĩa của nó đã luôn là một phần trong tiềm thức của người Việt. Mình mong tập podcast này trong mùa Tết mang lại cho các bạn chút ít thông tin văn hóa thú vị về ngày Tết của người Việt. Hẹn gặp lại các bạn ở những tập podcast lần sau và chúc các bạn ăn Tết vui vẻ nhé!
VÌ SAO NGƯỜI VIỆT NÓI ĂN TẾT, MÀ KHÔNG PHẢI CHƠI TẾT HAY NGHỈ TẾT
Easy Peasy Admin